Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNHTHẤP TIM

Bài thuốc đông y trị bệnh thấp tim. Thấp khớp cấp (thấp tim) là biểu hiện viêm cấp tính của hệ miễn dịch, mô liên kết ay hệ thống tạo keo, xảy ra sau viêm đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (Stresptoccus A). Bệnh có cơ chế tự miễn dịch, gây tổn thương ở nhiều cơ quan như khớp, tim, hệ thần kinh rung ương, tổ chức dưới da, mạch máu. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 7 – 15 tuổi, đợt thấp đầu tiên ít khi xảy ra trước 4 tuổi và sau 40 tuổi.

 Triệu chứng lâm sàng trong đợt cấp tính là: viêm đa khớp với tính chất di chuyển, sốt, viêm cơ tim, máu giật, các hạt thấp dưới da, ban đỏ có bờ. Các xét nghiệm cận lâm sàng tương đối đặc trưng và sự phối hợp các triệu chứng có giá trị chẩn đoán bệnh.

 Tên bệnh là “Thấp khớp cấp” nhằm nhấn mạnh tổn thương tại khớp nhưng tổn thương nặng nề nhất lại là tm. Tổn thương tim có thể là nguyên nhân gây tử vong trong đợt cấp của bệnh và là nguyên nhân hàng đầu của bệnh van tim ở người trẻ tuổi. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 6 – 15 tuổi nhưng ít trường hợp xảy ra ở lứa tuổi 20 hoặc hơn nữa.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Viêm họng: hay gặp trước đó 1 – 2 tuần.

Toàn thân: bệnh nhân sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém, có thể ho, đau ngực…

Viêm cơ tim do thấp có các dấu hiệu: nhịp tim nhanh, có khi có tiếng ngựa phi, tiếng thổi tâm thu ở mỏm do hở van hai lá. Có thể có tiếng cọ màng ngoài tim, khó thở và các triệu chứng suy tim, rối loạn nhịp tim hoặc các dạng block tim.

Việm khớp thoáng qua gặp ở 80% trường hợp thấp tim. Có thể viêm nhiều khớp, hay gặp nhất là khớp cổ tay, khuỷu tay, gối, cổ chân, háng, ít khi có viêm tại các khớp nhỏ. Các khớp sưng, nóng, đỏ, đau không đối xứng, di chuyển nhanh 1 – 5 ngày, bệnh nhân không đi lại được, sau 1 – 2 tuần khớp hết sưng đau dù được điều trị hay không. Giai đoạn sưng đau khớp có khi bị bỏ qua, triệu chứng hết nhanh nên gọi là “thấp thể ẩn”.

Múa vờn (Sydenham): gặp khoảng 3%, khi có sốt, múa vờn là biểu hiện tổn thương não do thấp, đây là biểu hiện của rối loạn vận động ngoại tháp.

Hạt thấp dưới da (hạt Meynet): gặp ngay trên bề mặt khớp, cục cứng có đường kính 0,5 – 2cm nổi dưới da, di động tự do, ấn không đau. Thường gặp ở bệnh nhân thấp tim tái phát và có thời gian bị bệnh kéo dài. Hay gặp hạt thấp ở khớp khuỷu tay, khớp gối.

Ban đỏ vòng (ban Besnier): thường thay đổi và mất đi nhanh chóng sau vài ngày, có bờ màu đỏ, đối xứng và hay gặp ở đùi, lưng, bụng, không thấy có ở mặt.

Cận lâm sàng

Bạch cầu (BC) tăng, máu tăng (VS) tăng, fibrinogen tăng, CPK (+).

Cấy nhầy họng 3 lần (trước khi dùng kháng sinh) có liên cầu khuẩn nhóm A (tỷ lệ 25 – 40%).

ASLO (+), ASK (+)

Điện tim (ECG): PQ kéo dài > 0,20”; block A – V độ II, độ III; ngoại tâm thu thất, ngoại tâm thu nhĩ.

Siêu âm tim: đường kính buồng tim to ra; có tổn thương hở,hẹp hai lá hoặc hở van động mạch chủ; có thể tràn dịch màng ngoài tim…

Chẩn đoán

Theo tiêu chuẩn Jones sửa đổi 1992:

         Tiêu chuẩn chính                                                                Tiêu chuẩn phụ
Viêm tim

Viêm nhiều khớp

Múa giật

Hạt thấp dưới da

Ban đỏ vòng

Sốt

Đau khớp

VS tăng, BC tăng, fibrinogen tăng, C Reative Protein (+)

ECG: PQ kéo dài > 0,20”

Bằng chứng nhiễm liên cầu: cầy nhầy họng (+) ASLO (+), ASK (+)

Chẩn đoán xác định thấp tim khi:

Có hai tiêu chuẩn chính và có bằng chứng nhiễm liên cầu.

Hoặc có một tiêu chuẩn chính và hai tiêu chuẩn phụ, kèm theo có bằng chứng nhiễm liên cầu.

Chẩn đoán phân biệt

Bệnh hệ thống.

Bệnh viêm khớp dạng thấp.

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bán cấp (Osler).

Nhiễm khuẩn huyết.

Y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh thấp khớp (thấp tim) liên quan đến các yếu tố phong thấp nhiệt. Căn cứ vào biểu hiện lâm sàng. Nếu bệnh biểu hiện ở khớp thì quy vào chứng tý, chứng phong thấp; nếu tổn thương ở tim là chủ yếu thì thuộc phạm vi chứng tâm quý và chứng chính xung ngoài ra, cũng có thể liên hệ với các chứng tâm thống và chứng khí xuyễn.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Chính khí hư nhược, tà khí thừa hư xâm phạm gây tắc trệ mạch lạc sinh ra chứng tý.

Sống trong môi trường ẩm thấp, dầm mưa, nhiễm lạnh kéo dài, ăn uống no đói bất thường, lao động quá sức hoặc cơ thể tố bẩm bất túc làm cho chính khí hư nhược, vệ khí bất cố; vì vạy các nhân tố phong hàn à thấp nhiệt nhân lúc cơ thể hư nhược mà xâm phạm. Tà chính giao tranh dẫn đến phát sốt, phong nhiệt phạm phế làm cho họng sưng và đau. Do ngoại tà từ biểu nhập lý, từ khí phận chuyển vào huyết phận mà gây trệ tắc ở cơ bắp, kinh lạc, các khớp, nội tạng. Vệ khí hư gây tự ra mồi hôi. Bệnh tại cơ phu cân mạch có thể thấy hạt nhỏ dưới da, bệnh phạm khớp hay kinh lạc có thể thấy sưng đau các khớp xương; nhiệt vào doanh huyết có thể thấy hồng ban ở dưới da, bệnh tại tạng tâm có thể tạo thành chứng tâm tý.

Theo tác nhân gây bệnh khác nhau mà có biểu hiện lâm sàng khác nhau. Nếu bệnh do phong tà (thể hành tý) thì thường thấy sưng đau khớp có tính di chuyển. Do hàn tà (thể thống tý) thì thấy các khớp sưng nề, đau dữ dội, kèm theo sợ lạnh, gặp lạnh đau tăng. Bệnh do thấp (thể trước tý) thì thấy các khớp sưng nề, chân tay nặng nề; thời tiết thay đổi, độ ẩm không khí cao thì bệnh vượng lên. Các nhân tố hàn và thấp đều có thể hóa nhiệt hoặc cơ thể cảm thụ phải phong nhiệt làm cho phong nhiệt phạm vào phế vệ gây sốt, sưng đau họng, tự ra mồ hôi; các khớp sưng, nóng, đỏ, đau gọi là nhiệt tý.

Tà khí xâm nhập sâu vào cơ thể, nội kết ở tâm.

Do cơ thể suy nhược hoặc chứng tý điều trị không kịp thời, không đúng làm bệnh tà thâm nhập sâu vào cơ thể gây tổn thương tạng phủ. Đặc biệt, phong, thấp và nhiệt tà thường làm tổn thương tạng âm như thấp tà làm tổn thương khí, hà tà tổn thương dương khí, nhiệt tà tổn thương âm mà trên lâm sàng thường thấy các biểu hiện của tâm khí hư, tâm dương hư và khí âm lưỡng hư.

Tâm tý tức là bệnh tà làm cho chức năng chủ huyết mạch, chủ thần minh của tâm bị trở ngại, mạch lạc bị ứ trệ. Trên lâm sàng, ngoài biểu hiện sưng, nóng, đỏ và đau tại các khớp còn thấy biểu hiện bệnh lý tai tâm như hồi hộp đánh trống ngực, loạn nhịp ngoại tâm thu. Tâm khí hư biểu hiện lâm sàng hồi hộp trống ngực, khó thở. Tân dương hư biểu hiện lâm sàng phù, gan to. Tâm thần bất định dẫn đến hồi hộp trống ngực, mất ngủ, cảm giác lo âu bồn chồn.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Căn cứ biện chứng

Thấp tim thuộc phạm vi chứng tý, chứng tâm quý của y học cổ truyền. Bệnh do chính khí bất túc, ngoại tà thừa hư xâm phạm. Vì vậy, cần chú ý biện cứng làm rõ sự thịnh suy của chính khí và tà khí, phân biệt rõ trạng thái thiên thắng của phong tà, hàn tà, thấp tà và nhiệt tà.

Phân tích sự thịnh suy của chính khí và tà khí.

Giai đoạn khởi phát: các yếu tố ngoại tà là phog, thấp và nhiệt chiếm ưu thế, tạng phế là tạng bị tổn thương đầu tiên với biểu hiện họng sưng và đau.

Giai đoạn toàn phát: các nhân tố gây bệnh tổn thương tại kinh lạc và khớp xương làm cho các khớp sưng, nóng, đỏ, đau. Nếu nhiệt nhập doanh huyết sẽ xuất hiện hồng ban dưới da; ngoại tà nhập vào tâm làm cho kinh mạch bị bế tắc, khí cơ nghịch loạn, trên điện tim thấy khoảng PQ kéo dài; thấp dài; thấp nhiệt dễ làm tổn thương khí, thương âm nên xuất hiện hồi họp trống ngực, khó thở, ra nhiều mồ hôi. Mức độ nặng hơn thì ngoại tà có thể làm cho tâm dương hư dẫn đến phù thũng, khó thở.

Phân thích trạng thái thiên thắng của hàn và nhiệt.

Phong thấp nhiệt (nhiệt tý) có biểu hiện lâm sàng: sốt; các khớp sưng, nóng đỏ và đau; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch sác.

Phong hàn thấp có biểu hiện lâm sàng: sốt nhẹ, đau khớp; các khớp không sưng, nóng, đỏ nhưng đau tăng khí vận động hoặc khi thăm khám; rêu lưỡi trắng, mạch hoãn.

Nguyên tắc điều trị

Căn cứ vào cơ chế bệnh do chính khí bất túc, phong hàn thấp nhiệt thừa hư xâm phạm cơ thể nên nguyên tắc điều trị cơ bản là phù chính, trừ tà. Tuy vậy, cần căn cứ vào sự thịnh của chính khí và tà khí để áp dụng phương pháp phù chính, trừ tà ở mức độ khác nhau.

Giai đoạn khởi phát do tà thực chủ nên nguyên tắc điều trị lấy trừ tà làm chính. Đồng thời cần căn cứ vào trạng thái thiên thắng của phong, hàn, thấp, nhiệt để áp dụng các pháp khứ phong, tán hàn, trừ thấp và thanh nhiệt ở mức độ khác nhau.

Giai đoạn toàn phát do ngoại tà làm tổn thương chính khí, tính chất bệnh ở giai đoạn này là hư thực thác tạp; vì vậy cần chú ý tới tình trạng nặng hay nhẹ, hoãn hay cấp để ứng dụng phương pháp phù chính hay trừ tà một cách hợp lý.

Bài thuốc đông y trị bệnh thấp tim

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

Phong thấp nhiệt tý

Lâm sàng: sốt, đau họng, miệng khô, ra mồ hôi, sợ lạnh; viêm nhiều khớp, hay gặp nhất là khớp cổ tay, khuỷu tay, gối, cổ chân, háng, ít khi có viêm tại các khớp nhỏ; các khớp sưng, nóng, đỏ, đau không đối xứng, di chuyển nhanh, sau 1 – 2 tuần khớp hết sưng đau dù được điều trị hay không; xuất hiện hồng ban, hạt thấp dưới da, thân thể nặng nề, không muốn ăn, nước tiểu vàng, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: sơ phong trừ thấp, thanh nhiệt giải độc.

Bài thuốc: Bạch hổ gia quế chi thang (Kim quỹ yếu lược).

Thạch cao  30g, Tri mẫu  15g, Cam thảo  06g, Ngạnh mễ  12g, Quế chi  06g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt thông lạc, hòa doanh vệ, thích hợp để điều trị chứng phong thấp nhiệt tý. Đây là bài thuốc tiêu biểu về cách phối hợp thuốc có tác dụng thanh nhiệt và sinh tân như phối hợp thạch cao với tri mẫu, cách dùng thuốc này gọi là thanh nhiệt bảo tân để điều trị chứng nhiệt khí phận. Trong bài thuốc này thì thạch cao có vị cay, tính dược lạnh, có tác dụng thanh nhiệt; tri mẫu có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng tả hỏa; cam thảo, ngạnh mễ là vị thuốc phù trợ để dưỡng vị hòa trung; quế chi có vị cay tính ấm để ôn thông kinh mạch.

Để tăng cường tác dụng thanh nhiệt thì gia liên kiều 12g, nhẫn đông đằng 20g.

Để tăng cường tác dụng trừ thấp thì gia mộc qua 12g, phòng kỷ 12g, tần cửu 12g, tang chi 15g.

Nếu thấp nhiệt thiên thịnh thì có thể dùng bài Tam nhân thang (Ôn bệnh điều biện) phối hợp với bài Tứ diệu hoàn (Thành phương tiện tú):

Hạnh nhân  12g, Bạch đậu khấu  10g, Ý dĩ nhân  15g, Hậu phác  10g, Thông thảo  06g, Hoạt thạch  20g, Trúc diệp  12g, Bán hạ  08g, Hoàng bá  12g, Thương truật  12g, Ngưu tất  15g, Ngạnh mễ  12g,

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Bài Tam nhân thang dùng hạnh nhan có vị cay, tính đắng, nhập kinh phế để tuyên thông phế khí, với ý nghĩa khí ở thượng tiêu được hòa thì thấp được hóa. Bạch đậu khấu có vị cay, tính đắng; có tác dụng hành khí hóa thấp, tuyên thông trung tiêu. Ý dĩ có vị ngọt, nhạt; tác dụng thấm thấp kiện tỳ, thông lợi hạ tiêu. Ba vị thuốc trên cùng dùng làm cho tam tiêu được khơi thông. Phối hợp với bán hạ, hậu phác là những vị thuốc có tính vị cay, đắng, khai thông và đi xuống; có tác dụng hành khí hóa thấp, tiêu trừ đầy trướng. Hoạt thạch, thông thảo, trúc diệp có tính vị lạnh, nhạt, có tác dụng thanh lợi hạ tiêu và khi phối hợp với ý dĩ làm cho thấp nhiệt đi xuống mà bài trừ ra ngoài. Bài thuốc trên kết hợp với bài Tứ diệu hoàn (hoàng bá, thương truật, ngưu tất và mạnh mẽ) là bài thuốc dùng điều trị chứng thấp nhiệt ở hạ tiêu càng làm tăng tác dụng thanh trừ thấp nhiệt.

Nếu bệnh nhân đau họng thì gia sơn đậu căn 08g hay uống thêm viên Lục thần hoàn. Nếu xuất hiện hồng ban dưới da thì gia thủy ngưu giác 15g, đan bì 12g, sinh địa 12g, xích thược 12g.

Nếu khí đoản, mạch hư sác thì gia tri mẫu 12g, cam thảo 10g, nhân sâm 06g.

Hàn thấp nhiệt tý

Lâm sàng: sốt, sợ lạnh, sợ gió; khớp sưng, nóng, đỏ, đau; các triệu chứng trên nặng nên khi gặp lạnh, giảm đi khi gặp nóng; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi trắng, mạch huyền hoạt.

Pháp điều trị: thanh nhiệt trừ phong, tán hàn trục thấp.

Bài thuốc: Quế chi thược dược tri mẫu thang (Kim quỹ yếu lược)

Quế chi  12g, Bạch thược  12g, Tri mẫu  ,12g, Ma hoàng  08g, Phòng phong 12g, Sinh khương  05 lát, Cam thảo chích  08g, Bạch truật  12g, Phụ tử chế  08g.

 Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Bài thuốc trên dùng điều trị chứng phong hàn thấp tý nhưng có biểu hiện của táo và nhiệt do uất sinh ra.

Trong bài thuốc trên thì quế chi có tác dụng ôn thông huyết mạch; ma hoàng, phòng phong, phụ tử, bạch truật có tác dụng khu phong tán hàn trừ thấp; tri mẫu có tác dụng thanh nhiệt. Đặc điểm phối ngũ của bài thuốc là kết hợp giữa các vị thuốc có tính hàn và tính nhiệt, âm dược và dương dược. Vì vậy, dùng bạch thược và tri mẫu để bảo vệ âm dịch, đề phòng tính chất ôn và táo của quế chi, phụ tử.

 Nếu các khớp đau nhiều, đau tăng khi gặp lạnh, giảm đau khi được chườm nóng, hạn chế vận động khớp thì nên tăng liều của quế chi 15g, phụ tử 12g. Thân thể nặng nề, các khớp sưng to thì nên tăng liều bạch truật 20g, phụ tử 12g.

 Nếu kiêm có chứng huyết ứ thì dùng bài Quyên tý thang (Y học tâm ngữ) gia giảm:

 Khương hoạt  12g, Độc hoạt  12g, Quế chi  10g, Tần cửu  12g, Đương quy  12g, Xuyên khung  10g, Chích cam thảo  06g, Hải phong đằng  30g, Tang chi  15g, Nhũ hương  06g, Mộc hương  06g.

 Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Tâm khí bất túc

Lâm sàng: hồi hộp, trống ngực, hụt hơi, mệt mỏi, khi vận động thì các biểu hiện trên nặng lên, sắc mặt trắng canh; chất lưỡi nhạt, bè bệu, có ấn răng, rêu lưỡi trắng, mạch hư sác hoặc kết đại.

Pháp điều trị: ích khí dưỡng âm, ôn dương phục mạch.

Bài thuốc: Bảo nguyên thang (Bác ái tâm lãn).

Hoàng kỳ  20g, Nhân sâm  06g, Nhục quế  05g, Cam thảo  06g, Sinh khương  02 lát.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì nhân sâm, hoàng kỳ, cam thảo có tác dụng bổ khí. Phối hợp với liều nhỏ nhục quế để trợ dương. Tác dụng toàn bài là ích khí ôn dương. Bài thuốc này thích hợp dùng cho các trường hợp trẻ con mà nguyên khí bất túc.

Nếu tự ra mồ hôi thì phối hợp với bài Ngọc bình phong tán (phong kỳ, bạch truật, phòng phong).

Nếu biểu hiện tâm khí hư, nhiệt tà thiên thịnh có thể phối hợp với bài Nhân sâm bạch hổ thang (thạch cao, tri mẫu, cam thảo, ngạnh mễ, nhân sâm).

Nếu có biểu hiện huyết ứ ở khớp xương thì có thể dùng bài Hoạt lạc hiệu linh đan (đương quy, đan sâm, một dược, nhũ hương) gia vị.

Khí âm lưỡng hư

Lâm sàng: hồi hộp, trống ngực, hụt hơi, mệt mỏi, khi vận động các triệu chứng trên tăng nặng, tự ra mồ hôi, khát nước, tiểu vàng, đại tiện táo, chất lưỡi hồng khô, rêu lưỡi ít, mạch hư tế hoặc tế sác.

Pháp điều trị: ích khí dưỡng âm.

Bài thuốc: Sinh mạch tán (Y học khải nguyên) gia vị

Nhân sâm  09g, Mạch môn  09g, Ngũ vị tử  06g.

Bài thuốc trên vận dụng liều thích hợp để sắc uống, ngày 01 thang.

Bài thuốc trên được xây dựng trên cơ sở điều trị chứng nhiệt làm tổn thương nguyên khí và nếu nặng thì làm nguyên khí hư thoát. Phế chủ khí nên phế khí hư sẽ gây mệt mỏi, hụt hơi, ngại nói hoặc làm tổn thương ngũ tạng, mạch đạo mất sự nuôi dưỡng nên thấy mạch vi tế hoặc hư đại mà sác. Nếu nguyên khí tổn thương nặng sẽ làm cho khí thoát, gây nên các biểu hiện: khó thở, mồ hôi ra không cầm, lưỡi hồng khô và ít rêu lưỡi, miệng khát, mạch nhỏ muốn ngừng. Trên thực tế lâm sàng, bài thuốc trên được ứng dụng điều trị một số bệnh như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp tính, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, suy tim, tâm phế mãn…

Nếu nhiệt tà không giảm thì có thể phối hợp với bài Trúc diệp thạch cao thang:

Trúc diệp  12g, Thạch cao  20g, Bán hạ  10g, Mạch môn  12g, Nhân sâm  06g, Cam thảo  06g, Ngạnh mễ  12g.

Nếu âm hư phong động gây hồi hộp, trống ngực, hụt hơi thì điều trị nên dùng pháp dục âm tức phong, định tâm an thần; bài thuốc trên gia linh dương giác 12g, câu đằng 12g, viễn chí 06g, phục linh 12g, quy bản 12g, miết giáp 12g, mẫu lệ 20g.

Nếu mạch kết đại, hồi hộp trống ngực thì có thể dùng bài Chích cam thảo thang (Thương hàn luận):

Nhân sâm  12g, Quế chi  12g, Sinh khương  06g, Mạch môn   12g, Sinh địa  20g, A giao  12g, Đại táo  12g, Ma nhân  16g, Cam thảo chích  20g.

Bài thuốc này dùng nhân sâm, cam thảo để bổ ích tâm khí; a giao, sinh địa, mạch môn, ma nhân có tác dụng bổ tâm huyết, dưỡng tâm âm để nuôi dưỡng huyết mạch. Quế chi, sinh khương có tác dụng thông tâm dương. Các vị thuốc trong bài phối hợp với nhau làm cho âm huyết đầy đủ mà huyết mạch sung túc, âm khí hồi phục làm thong tâm mạch.

Tâm dương hư suy

Lâm sàng: hồi hộp, trống ngực, cảm giác tức nghẹt trong ngực hoặc đau vùng trước tim, môi và lưỡi tím, hụt hơi, tự ra mồ hôi, người lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt trắng bệch, bụng trướng, tiểu ít, phù, khó thở, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng trơn, mạch trầm trì hoặc vi tế, kết đại.

Pháp điều trị: ôn dương lợi thủy.

Bài thuốc: Chân vũ thang (Thương hàn luận) phối hợp với Ngũ linh tán (Thương hàn luận).

Bạch linh  10g, Bạch thược  12g, Bạch truật  12g, Sinh khương  08g, Phụ tử  06g, Trư linh  10g, Trạch tả  15g, Bạch truật  12g, Bạch linh  10g, Quế chi  06g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Chân vũ thang và Ngũ linh tán là hai bài thuốc có tác dụng ôn dương hóa thấp, lợi thủy. Việc phối hợp hai bài thuốc này với nhau có mục đích tăng cường tác dụng lợi thủy làm giảm tình trạng phù thũng, khí thở và giảm gánh nặng cho tim. Bài thuốc dùng phụ tử có vị cay tính nóng; có tác dụng ôn thận tráng dương, tán hàn chỉ thống. Bạch linh, trư linh, trạch tả, sinh khương có tác dụng lợi thủy thấm thấp. Bạch truật có tác dụng kiện tỳ để vận hóa thủy thấp. Quế chi có tác dụng ôn thông kinh dương làm giảm tình trạng đau thắt ngực và giúp bàng quang khí hóa. Quế chi kết hợp với các vị thuốc có tác dụng lợi thủy thấm thấp khác và phân bố tân dịch, hành thủy.

Nếu xuất hiện khó thở, khạc đờm màu xanh và dính, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, trống ngực là do thủy ẩm thượng nhiễu tâm phế thì phối hợp dùng với bài Đình lịch đại táo tả phế thang (đìn lịch tử, địa táo) để tăng cường lợi thủy thấm thấp.

Nếu ho khạc đờm lẫn máu, chất lưỡi ám tím, gan to thì phối hợp với bài Đan sâm ẩm (đan sâm, đàn hương, sa nhân) để hoạt huyết khứ ứ, hành khí chỉ thống.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC

Thế châm

Thường dùng các huyệt: Khúc trì, Hợp cốc, Kiên ngung, Ngoại quan, Hậu khê, Hoàn khiêu, Dương lăng tuyền, Tuyệt cốt, Phong thị, Túc tam lý, Tất nhãn. Mỗi ngày châm 01 lần, mỗi lần 3 – 5 huyệt, kích thích trung bình, châm tả là chính.

Châm xuyên huyệt: Kiên ngung xuyên Cực tuyền, Khúc trì xuyên Thiếu hải, Dương lăng tuyền xuyên Âm lăng tuyền. Mỗi ngày châm 01 lần, mỗi lần 20 – 30 phút, 7 – 10 ngày là một liệu trình.

Nhĩ châm

Thường dùng huyệt tâm, can, thận, tỳ, vị, phế, nội phân tiết.

Dùng vương bất lưu hành hoặc lai phục tử áp huyệt vị vừa độ chịu đựng.

Mỗi ngày 01 lần, mỗi lần 20 – 30 phút, 7 – 10 ngày là một liệu trình.

KẾT LUẬN

Bệnh thấp tim thường gặp ở lứa tuổi từ 6 – 15, gây tổn thương tại khớp với tính chất rầm rộ và thoáng qua nhưng tổn thương nặng nề nhất lại là tim, là nguyên nhân hàng đầu của bệnh van tim ở người trẻ tuổi.

Theo y học cổ truyền, cơ chế bệnh sinh chủ yếu là do chính khí bất túc, phong hàn thấp nhiệt nhân lúc cơ thể suy yếu xâm phạm vào cơ thể gây nên.

Trên lâm sàng, căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ tổn thương tạng tâm để phân thành năm thể: phong nhiệt thấp tý, hàn thấp nhiệt tý, tâm khí bất túc, khí âm lưỡng hư, tâm dương hư suy.

Nguyên tắc cơ bản để điều trị bệnh phong thấp nhiệt là phù chính kết hợp với trừ tà. Tuy nhiên, cần căn cứ vào sự thịnh suy của chính – tà mà áp dụng phương pháp phù chính và trừ tà ở mức độ khác nhau.

Do tính chất phổ biến và nguy hiểm của bệnh, ngoài việc ứng dụng các biện pháp điều trị kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền để ngăn ngừa biến chứng của bệnh, người thầy thuốc còn phải tăng cường giáo dục và hướng dẫn bệnh nhân tích cực phòng ngừa, phòng chống sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *